Apple là vậy, làm máy tốt nhưng phụ kiện thì dở

Mình bắt đầu xài đồ Apple là từ chiếc iPod nano đời 1, đâu đó khoảng năm 2005 – 2006, và tới giờ nó vẫn chạy tốt. MacBookPro Mid 2009 mua từ đó tới giờ vẫn hoạt động ngon lành, thậm chí còn chạy mượt bản macOS mới nhất. iPhone 5 từ năm 2012 và MacBook Pro Retina 2012 tới giờ cũng không gặp vấn đề gì. Nhưng trái ngược với các máy này, mớ phụ kiện của những thiết bị này đã hỏng tơi tả dù chỉ để một chỗ và không di chuyển nhiều. Tai nghe của iPod bong lớp nhựa chỉ sau một năm sử dụng, dây sạc của em MacBook Pro 2012 đã bắt đầu nứt và lộ dây điện bên trong sau khoảng 2 năm xài, và dây Lightning của iPhone 5 cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng Apple làm máy bền và tốt, nhưng còn phụ kiện của hãng thì khá tệ.

Hãy nói trước về vụ nứt vỏ dây cáp sạc của cả iPhone lẫn MacBook. Mình biết mình không phải là người duy nhất gặp chuyện này, bạn bè, người thân xung quanh mình và cả nhiều anh em trên Tinh tế cũng bị tình trạng tương tự sau một thời gian ngắn xài máy.

Mà nguyên nhân của vụ nứt vỏ dây này không hề đến từ việc di chuyển nhiều. Mình có 3 cục sạc cho chiếc MacBook của mình, trong đó 1 cục để cố định trên công ty, 1 cục cố định ở nhà, và 1 cục thường để trong balo để khi cần có thể sử dụng ngay. Trớ truê thay, cục bị nứt dây chính là cục nằm ở nhà với rất ít sự di chuyển, gần như là nó chỉ nằm yên một chỗ mà thôi. Trong khi đó, cục sạc trong balo, thứ bị di chuyển, quăng quật nhiều và sử dụng cũng kha khá, thì vẫn ngon lành và chưa gặp bất kì vấn đề gì.

Qua theo dõi, mình thấy phần dễ nứt nhất chính là đầu sợi cáp đi vào máy tính, nơi khá nóng khi sạc và có lẽ vì vậy mà vỏ nhựa bị lão hóa nên mới dễ nứt đến vậy. Điều tương tự cũng diễn ra với sợi Lightning sạc iPhone 5, tức là phần đầu đi vào điện thoại dường như dễ bị nóng và nứt ra.

Với sợi cáp của iPhone thì dễ, nứt thì chúng ta có thể dễ dàng đi mua sợi khác về thay vào dù cũng đắt đỏ chứ không rẻ. Nhưng cáp sạc của MacBook là “đau” nhất vì nó dính liền vào cục sạc và bạn không có cách nào tự thay thế nó cả trừ khi bạn cầm ra cho thợ chuyên nghiệp để họ làm giúp bạn. Nhưng cách này cũng chỉ là giải pháp tạm thời và nó có thể không đảm bảo an toàn về điện cho cả bản thân người dùng lẫn với cái máy tính đắt tiền mà anh em đang xài. Do đó, cách tốt nhất là phải mua cả một cục sạc mới, mà như anh em thấy, cục sạc MacBook nào có rẻ, từ 1,5 triệu đến 2 triệu tùy loại và dòng máy.

Còn với chiếc iPod, tai nghe bị tróc lớp cao su là chuyện mình rất hiếm thấy khi xài các phụ kiện tai nghe khác. Bạn mình có một chiếc iPhone và tai nghe cũng bị tình trạng tương tự. Khi nó tróc lớp này ra thì lộ dây điện nhìn rất không đẹp. Ngoài ra nó cũng làm chúng ta cảm thấy tai nghe trở nên mong manh hơn và có thể đứt bất kì khi nào nên khi xài hơi lo lo nhát nhát. Trong khi đó, tai nghe là một trong những phụ kiện được xài nhiều nhất và đáng ra Apple có thể làm tốt hơn.

Như vậy, Apple chưa làm tốt trong khâu sản xuất phụ kiện. Có nhiều nguyên nhân: cắt giảm chi phí cho mảng phụ kiện, giám sát quản lý chất lượng trong lúc sản xuất không tốt, vật liệu dỏm, thiết kế chưa ngon… Trong đó mình nghĩ nguyên nhân giám sát chất lượng là quan trọng nhất vì những yếu tố kia Apple có lịch sử làm tốt. 

Mình khá ngạc nhiên vì hãng làm máy chính rất tốt và ngon, trong khi phụ kiện lại “cùi bắp” như vậy, trong khi những cục sạc và dây sạc của các máy Sony, HP mình từng xài qua thì chẳng bị vấn đề gì. Sợi cáp sạc microUSB của Nokia mua từ 4 năm trước trong chiếc Lumia 1520 giờ vẫn còn bền bỉ và đẹp như ngày đầu và vẫn còn được xài để sạc cho mớ tai nghe Bluetooth và pin dự phòng của mình. Hay như cặp tai nghe Sony mình mua riêng bên ngoài dù bị nhồi nhét đủ kiểu trong balo mà giờ vẫn hoạt động hoàn hảo, chỉ bị một số chỗ nứt do mình vô ý để nó cắt vào vật bén mà thôi.

Hậu quả của việc làm phụ kiện không tốt đó là người dùng chúng ta sẽ phải tốn thêm tiền để mua lại những món bị hỏng hoặc sắp hỏng. Như đã nói ở trên, mua cáp cho iPhone cũng đã tốn 200-300 nghìn đồng tùy chỗ bán, còn cục sạc thì lên tới cả triệu. Đây hoàn toàn không phải là số tiền nhỏ mà đáng ra chúng ta không cần phải chi. Rồi nó còn ảnh hưởng tới cả việc sử dụng thiết bị của chúng ta nữa, ví dụ như dây cáp sạc của MacBook mà bị đứt trong lúc bạn đang cần làm việc gấp mà máy lại sắp hết pin thì cực kì khó chịu. Dù chuyện này cá nhân mình chưa gặp bao giờ nhưng mình đã từng thấy nhiều người xung quanh vướng vào. Đó là chưa kể tới chuyện dây bị nứt lộ dây điện bên trong có thể gây mất an toàn về điện.

Nói về giải pháp, hiện tại mình thấy có nhiều anh em sử dụng một thứ giống như lò xo dẻo để bọc dây lại, một số người lại dùng ống nhựa dẻo tự cắt để bọc. Giá cho mấy thứ này khá rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng mà thôi. Việc này giúp tăng độ bảo vệ trước các tác động từ bên ngoài nhưng mình không chắc là nó có cản được việc nứt dây do nóng như mình mô tả với anh em ở trên hay không. Anh em nào từng hoặc đang xài rồi thì chia sẻ cho mình biết về vụ này nhé. Riêng mình thì không quấn vì nó làm dây dày hơn, khó di chuyển hơn, bọc tai nghe lại càng kinh khủng hơn vì dây bị nặng đi thấy rõ, không còn cảm giác thoải mái để mà thưởng thức nhạc.

Một cách giải quyết khác đảm bảo hơn nhưng tốn tiền hơn đó là đi mua cáp của bên thứ ba về sử dụng.

Tất nhiên với iPhone thì vậy, còn với MacBook thì chúng ta gần như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua cục sạc mới khi gặp vấn đề. Mình ghét vụ này  Trên thị trường cũng có bán một số cục sạc “lô” hay cục sạc “loại 1” cho MacBook, giá không đắt bằng hàng chính thức nên cũng được nhiều người lựa chọn. Nhưng theo mình thì không nên mua loại nào khác loại chính thức vì có thể gây mất an toàn điện cho cả bạn lẫn máy. Chỉ vì một chút tiết kiệm khi mua sạc mà để cục sạc dỏm làm hỏng chiếc MacBook mà anh em yêu quý thì chẳng đáng chút nào. 

Lên tới đời 2016 thì vụ sạc của MacBook dễ thở hơn. Vì Apple đã chuyển sang dùng cổng USB-C để sạc, và cục sạc của hãng lại cho tháo dây ra dễ dàng nên bạn có thể mua bất kì sợi dây của bên thứ ba nào gắn vô sử dụng, miễn là sợi cáp đó hỗ trợ dòng điện mạnh và chức năng Power Delivery là được. Thường thì khi bạn mua cáp USB-C nhà sản xuất sẽ nói cho bạn biết cáp chịu được công suất tối đa bao nhiêu. MacBook Pro 2016 15″ xài cục sạc 87W và mình nghĩ anh em cũng cần mua sợi cáp chịu được từ mức này trở lên.

Giờ mình thậm chí còn không xài cục sạc của Apple mà dùng cục sạc Anker có đầu USB-C, vừa để sạc máy tính mà vừa sạc luôn cho mớ điện thoại và phụ kiện rất tiện. Giá thì rẻ hơn, chỉ 1,2 triệu đồng hoặc thấp hơn (cỡ 900k là ngon) tùy bạn có kiếm được khuyến mãi hay không. Mua 1 cục sạc cho 5 máy thì giá này cũng đáng.

Theo Duy Luân/ Tinhte.vn 

0